Chiến thuật luyện thi Toeic đạt điểm cao 700+
Mức điểm Toeic các trường Đại học tại TP HCM yêu cầu sinh viên tốt nghiệp phải có nằm ở khoảng Toeic 450-550. Ở mốc điểm này, với trình độ tiếng Anh căn bản (Elementary) bạn vẫn có thể tự học để có thể đạt số điểm 550. Chỉ cần chịu khó học làm các đề thi càng nhiều càng tốt: đọc nhiều + nghe nhiều (đừng quên ghi chú lại những từ vựng chưa biết và những âm chưa thể nghe được trong quá trình luyện tập). Bài hướng dẫn "Chiến thuật luyện thi Toeic đạt điểm cao 700+" này dành riêng cho các bạn ở trình độ trung cấp (intermediate) trở lên. Mức điểm 700+ là mức điểm mà các bạn sinh viên năm cuối và người đi làm muốn có để có thể bổ sung vào hồ sơ xin việc của mình. Mức điểm đó chứng tỏ khả năng sử dụng tiếng Anh ở mức tốt, ít nhất là 2 kỹ năng: nghe và nói.
Như vậy làm thế nào để có một kế hoạch luyện thi Toeic để đạt điểm 700+?
Sau đây mình sẽ trình bày cho các bạn 1 phương pháp mình đã áp dụng, với mong muốn rằng các bạn sẽ tiết kiệm được thời gian, nhất là các bạn tự học, không phải tốn thời gian vào cuốn sách này, cuốn sách nọ mà tìm lối đi cho mình.
Thứ nhất, bạn phải xác định rõ thời gian đăng kí dự thi. Thời gian này tùy thuộc vào các bạn sắp xếp sao cho phù hợp nhất. Sau khi đã xác định xong ngày chúng ta sẽ dự thi, thì chúng ta hãy bắt đầu lên kế hoạch học và ôn, bạn hãy tính ngược thời gian từ lúc thi ra trước 2 tháng, đó chính là thời gian thích hợp để bắt đầu. Hãy sắp xếp thời gian học và ôn thi thật cụ thể, tốt nhất là mỗi ngày các bạn dành khoảng 1 tiếng đồng hồ để ôn luyện, và luyện hằng ngày, không nên để dồn vào học tất tần tật vào một ngày trong tuần, như vậy sẽ không có hiệu quả. Bạn hãy cam kết với mình là sẽ giữ vững lịch của mình một cách rõ ràng, theo đuổi đến cùng cho đến tận ngày thi, dù có cám dỗ đến đâu cũng phải quyết chí đến cùng.
Thứ hai, chúng ta cần có 1 số công cụ sau đây để phục vụ học tập.
- 1 cuốn sổ ghi từ học được và lấy ra ôn lại khi rảnh rổi. Trên cuốn sổ đó, bạn cũng có thể ghi chú những điểm ngữ pháp, từ vựng mà bạn gặp phải trong lúc ôn luyện để giúp mình ghi nhớ tốt hơn. Thế là xong rồi, đơn giản phải không các bạn.
Nếu bạn yêu thích công nghệ, các bạn cũng có thể dùng 1 số phần mềm sau đây để thay thế cuốn sổ ở trên:
- Phần mềm Anki . Đây là phần mềm flashcard rất hay, có nhiều phiên bản trên các nền tảng khác nhau, Windows, Android, iOS… và điểm đặt biệt là chúng có thể đồng bộ được với nhau vì dụ có 10 từ mình cần ôn, các bạn ôn trên máy được 5 từ, rồi có việc bận, bạn đồng bộ lên server của nó thì trong lúc rảnh rỗi, bạn có thể lấy smartphone của mình ra ôn tiếp 5 từ còn lại.
- Phần mềm Evernote . Đây là phần mềm hỗ trợ ghi chú dùng để ghi những điểm ngữ pháp, từ mình hay mắc phải. Đây cũng là phần mềm hỗ trợ nhiều nền tảng và giúp đồng bộ hóa rất tốt.
Thứ ba, sau khi đã có đủ công cụ học tập, các bạn phải lựa chọn sách để ôn luyện. Đây là một vấn đề khó. Theo mình với mỗi cuốn sách, bạn đều có thể học từ đó một số điều trong đó. Tùy thuộc vào trình độ của các bạn mà có cuốn này sẽ phù hợp với các bạn này, nhưng sẽ chưa phù hợp với các bạn có trình độ khác. Sau đây là những cuốn sách mình đã dùng qua và mình tin rằng chúng cũng sẽ giúp ích cho các bạn muốn đạt số điểm Toeic cao.
- Essential Words for the TOEIC . Đây là cuốn sách mà theo mình các bạn nên có dù học theo phương pháp nào. Trong đó trình bày dưới dạng các bài học được phân ra thành các chủ đề, kèm theo đó là các bài tập rất hay, sát với đề thi TOEIC thật.
- Barron's TOEIC with 4 Audio CDs . Đây là cuốn sách khá hay dùng để cho các bạn làm quen với các chiến thuật cũng như dạng thức đề thi như thế nào, và đặc biệt là các các câu hỏi được giải thích đáp án hết sức kĩ càng, các bạn sẽ học được những lỗi sai và rút ra kinh nghiệm cho mình một cách nhanh chóng. Các bạn cứ học hết các chiến thuật và luyện tập thường xuyên thì chắc chắn sẽ đạt được điểm cao thôi. Tuy nhiên, cuốn sách này còn có hạn chế là các bài tập đưa ra khá dễ so với đề thi thật, nên mình đề xuất cuốn sách này hơn. The Complete Guide to the TOEIC Test . Trong sách này chứa đựng những kiến thức hết sức cần thiết để các bạn có thể làm các câu hỏi trong bài thi TOEIC.
- Barron's TOEIC Practice Exams . Đây là cuốn sách Practice test khá hay, có giải thích rõ ràng, giúp bạn tìm được lỗi của mình. Tuy nhiên, nếu so với đề thi thật thì sách này dễ hơn, khoảng chừng bằng 70 – 80% đề thi thật. Không sao, cứ luyện để lấy kinh nghiệm, nhưng đừng xem trọng điểm quá nha, dễ gây tâm lí là mình đã giỏi.
- Tactics for TOEIC Listening and Reading Test Student Book . Cuốn sách này do chính ETS và ĐH Oxford kết hợp viết. Tuy nội dung không hay nhưng 2 bài test cuối sách là hết sức quan trọng, cực kì giống với đề thi chính thức, và nếu bạn làm được bao nhiêu trong bài thi này thì bạn cũng sẽ đạt số điểm tương tự trong bài thi thật (tuy nhiên các bạn phải tính đến yếu tố tâm lí,.. khi thi thật, điểm thật sự sẽ thấp hơn 1 chút, khoảng từ 10 – 15%)
Tiếp theo nữa, mình sẽ đề xuất cho các bạn một lịch trình cụ thể để học và ôn luyện.
1. Đầu tiên, các bạn cần làm 1 bài Diagnostic Test trước để kiểm tra trình độ của mình tới đâu trước khi bước vào ôn luyện, các bạn lấy 1 bài Practice Test1 của sách thứ (4) để làm nhé. Sau đó các bạn sửa bài theo đáp án và giải thích của sách.
2. Sau đó, các bạn bắt đầu vào thời gian ôn tập. Mỗi ngày, các bạn dành thời gian khoảng 1h với nội dung sẽ ôn luyện như sau:
- 0.5h làm bài tập trong sách (1) (mỗi ngày 1 bài). Những từ nào các bạn biết rồi thì đọc qua, những từ bạn chưa biết thì lấy cuốn tập ghi chú hoặc dùng phần mềm Anki để ghi lại từ mới + nghĩa và ví dụ. Các bạn nên học theo các ví dụ thì sẽ ghi nhớ tốt hơn nhiều. Sau đó đọc và làm các bài tập theo hướng dẫn trong sách. Có 50 bài học trong trong sách. Cứ sau 5 bài học thì có 1 bài để ôn lại.
- 0.5h còn lại thì chúng ta sẽ học các chiến thuật và các điểm ngữ pháp trong sách (2). Các bạn cứ chia ra xen kẽ nhau 1 tuần học Reading, 1 tuần học Listening hoặc, 1 ngày học reading, 1 ngày học Listening. Nhớ là làm các bài tập và xem thử coi mình sai chỗ nào nếu sai, những điểm ta còn mập mờ cũng nên coi lời giải thích nhé. Nhớ sử dụng một cuốn tập để ghi chú hoặc Evernote cho hiệu quả nhé.
- Hàng tuần các bạn nên dành thời gian khoảng 0.5 – 1h cuối tuần để review lại những gì mình đã học trong tuần, những điểm cần chú ý, những điểm sai mình hay mắc phải.
3. Việc tiếp theo là luyện tập giải đề, 1 chuyện không thể thiếu đối với bất kì 1 cuộc thi nào. Sau khi đã ôn luyện xong, chúng ta sẽ dành ra khoảng 10 ngày để giải đề. Đây cũng là thời gian các bạn nên đăng kí thi TOEIC, nhớ đấy nhé. Mỗi ngày các bạn dành khoảng 2.5h để làm bài và sửa đề. Đầu tiên, các bạn làm các bài Practice Test trong sách (2) trước có từ 2 đến 4 bài test tùy từng sách, sau đó là trong sách Practice Test Book (3), có 6 bài test. Và cuối cùng ngày cuối cùng, các bạn làm bài Practice Test thứ 2 của sách (4). Đây là bài test có tính chất quyết định, xác định điểm của mình có được cải thiện đáng kế hay không.
4. Chuẩn bị cho cuộc thi nhé. Trước ngày thi khoảng 1 ngày, bạn nên dành 1 buổi sáng để ôn lại những điểm ngữ pháp, từ vựng, những lỗi mình hay mắc phải. Và buối chiều hôm đó bạn không nên học thêm bất cứ cái gì, cứ để cho đầu óc thư thái, làm những chuyện mình thích nhưng không được quá nặng, hoặc giải trí không lành mạnh. Nếu thi buổi sáng thì tối trước đó nên đi ngủ sớm và dậy sớm để chuẩn bị cho kì thi. Các bạn nên mang theo giấy tờ cần thiết như CMND, giấy đăng kí dự thi, thẻ SV (nếu trường yêu cầu). Và thứ duy nhất mà các bạn được mang vào phòng thi ngoài các giấy tờ trên là 1 cục gôm (tẩy).
5. Trong lúc làm bài thi. Bạn cứ theo sự hướng dẫn của cán bộ coi thi, và khi làm bài nhớ các quy tắc sau đây.
- Hãy giữ bình tĩnh, không quá hoang mang nếu đề thi khó hơn, hoặc không chủ quan khi đề thi dễ hơn.
- Làm bài từ trên xuống dưới, đã qua rồi thì không nên đoái hoài lại, để tập trung tinh thần cho các câu tiếp theo.
- Nên tận dụng thời gian hợp lí, VD, phần 3, 4 trong phần Listening, các bạn có thể lợi dụng lúc máy đọc phần hướng dẫn để đọc trước câu hỏi tiếp theo. Nên đọc trước các câu hỏi cả bài nghe tiếp theo, khi nghe thì trả lời thẳng trực tiếp luôn, nghe tới đâu, trả lời tới đó. Thời gian trả lời câu hỏi thì sẽ dành để đọc trước và hình dung câu hỏi của bài nghe tiếp theo. Cứ như thế thì các bạn sẽ làm tốt ở phần 3 và 4 của Listening. Đối với phần 2 của listening thì cần nghe cho rõ từ để hỏi (wh_question) và nội dung chính của câu hỏi để chọn đáp án cho phù hợp.
- Nếu không làm được 1 câu nào đó thì không nên bỏ mà nên dùng phương pháp loại trừ, tuyệt đối không chọn đáp án có từ phát âm gần giống với từ có trong câu hỏi. Vì chúng thường là đáp án sai.
- Đối với phần double Pasages của phần 7 thì nên đọc cho kĩ câu hỏi và đối chiếu với cả 2 passages để trả lời, nếu không rất dễ bị mắt bẫy.
Và cuối cùng chúc cho các bạn thi có 1 bài thi TOEIC thật hiệu quả và đạt được số điểm mình mong muốn.
Tác giả: Nguyễn Đức Minh Khôi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét